Mix & Master

Mix & Master hiểu đơn giản là Cân Bằng & Dịch Thuật. Sau khi bài hát đã được hoàn thiện từ sáng tác đến hòa âm phối khí, bước kế tiếp sẽ là Mixing. Tại đây, Mixing Engineer sẽ cân bằng mọi thành phần trong bài hát (tần số, không gian, màu sắc, hiệu ứng tạo cảm xúc,…) để đảm bảo giọng hát và các loại nhạc cụ xuất hiện rõ nét, không mờ mịt, không lộn xộn. Sau khi bước cân bằng được hoàn thành, Master sẽ là giai đoạn cuối cùng trước khi bài hát “bước ra ánh sáng”. Mastering Engineer sẽ cân bằng lại tần số (nếu cần), kiểm soát Dynamic toàn bài và áp dụng thêm các thao tác cần thiết để đảm bảo bài hát đạt chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn cần có với mục tiêu là phát nhạc tốt trên mọi loại thiết bị.

Hoàn toàn tùy thuộc vào thẩm mỹ âm nhạc của mỗi người! Hay hay dở nằm ở cảm nhận mang tính chủ quan của người nghe, nhưng chắc chắn sẽ có những tiêu chí để đánh giá một bản Mix như thế nào là đạt tiêu chuẩn. Cách đơn giản nhất là chú ý tới phản xạ của cơ thể khi nghe bài hát đó. Nếu bạn nghe một bài hát mà không rõ Vocal, hoặc không rõ nhạc cụ, hoặc đôi chỗ khiến bạn giật mình, hoặc cảm giác mọi thứ rời rạc (không hiện diện chung trong một không gian), hoặc mọi thứ bạn nghe được đều là sự loáng thoáng mờ mịt thì bản Mix đó tạm coi là chưa thành công. Ngược lại, nếu bạn nghe một bài hát từ đầu tới cuối, bạn tận hưởng và đung đưa theo mà không có chút lấn cấn nào về âm thanh hoặc không gian, cảm nhận được toàn bộ sắc thái các nhạc cụ và câu từ có trong bài hát ấy, thì đó là một bản Mix thành công.

Đúng vậy! Mỗi loại nhạc đều mang những màu sắc và năng lượng truyền tải khác nhau. Mixing Engineer sẽ bám sát đặc thù của từng thể loại nhạc nhằm tối ưu hóa màu sắc và thông điệp bài hát. Ví dụ: cách cài đặt thông số Compressor cho một Vocal hát Bolero chắc chắn không giống với thông số của một Vocal lái Trap, hoặc có những thể loại cần Sub-bass đầm và chắc nhưng cũng có thể loại nhạc không cần tới Sub-bass.

Về kĩ năng thì khi một Mixing Engineer đã thuần thục và thành thạo quy trình làm việc, họ hoàn toàn có thể Mix nhiều thể loại nhạc. Điểm khác biệt duy nhất nằm ở cách cảm thụ bài hát. Người Mix nhạc cũng có gu thẩm mỹ và thể loại sở trường nhất định. Với kĩ năng thành thạo, họ hoàn toàn có thể Mix được mọi bài hát với đủ tiêu chuẩn chất lượng cần có, nhưng việc họ có thực sự cảm nhận được thông điệp và mục đích bài hát muốn truyền tải để xây dựng bản Mix phù hợp với nội dung bài hát hay không, nó hoàn toàn phụ thuộc vào gu thẩm mĩ và khả năng cảm thụ của mỗi người.

Vì giọng hát của mỗi người là khác nhau, cách xử lý bài hát, cách thể hiện của mỗi người cũng khác nhau, chưa kể đến chất lượng của Microphone dùng để thu âm và môi trường xung quanh. Trong quá trình thu âm, rất nhiều tạp âm và những âm thanh không mong muốn (có thể) dễ dàng lọt vào bản thu. Những âm thanh này không hẳn là tiếng ồn hay tiếng động từ bên ngoài mà đôi khi là những tạp âm từ chính người hát (ví dụ như tiếng cử động miệng, tiếng thở,…) nên việc xử lý Vocal luôn là công đoạn phức tạp và cần nhiều thời gian cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau để cho ra được kết quả với các Track Vocal sạch, mượt và rõ nét.

Mastering là giai đoạn phức tạp hơn! Việc xử lý, dịch thuật một bản ghi và đảm bảo bài nhạc đó được phát với chất lượng tốt mà vẫn giữ được không gian vốn có của bài nhạc trên tất cả các thiết bị (điện thoại, ti vi, máy tính, loa xe hơi, loa nhạc hội, loa không dây,…) thực sự rất khó! Mặc dù đã có rất nhiều AI và các công cụ bên ngoài có thể giúp bạn có được một bản Master hoàn chỉnh nhưng không có AI nào Master tốt bằng một Mastering Engineer chuyên nghiệp. Hiện tại, thị trường chúng ta vẫn chưa thực sự tách biệt 2 giai đoạn này ra thành 2 mảng riêng biệt và cũng chưa có nhiều người nhận thấy vai trò quan trọng của Mastering nên như mọi người thấy, hầu hết các sản phẩm âm nhạc chỉ có một người phụ trách cả 2 giai đoạn Mix & Master.

BASS:

  • Sub-bass: 10 Hz – 60 Hz
  • Bass: 60 Hz – 250 Hz

MIDs:

  • Low-Mid: 250 Hz – 500 Hz
  • Mid: 500 Hz – 2.000 Hz
  • Hi-Mid: 2.000 Hz – 4.000 Hz

HIGHs:

  • Presence: 4.000 Hz – 6.000 Hz
  • Brilliance: 6.000 Hz – 20.000 Hz

Trên thị trường có rất nhiều loại EQ được dùng trong sản xuất, dưới đây là 5 loại EQ phổ biến nhất mà chúng ta thường hay gặp:

 

1. Parametric EQ: rất tốt cho việc quét tần số cũng như chỉnh sửa các dải tần số nhất định (tăng, giảm hoặc lược bỏ)

 

2. Graphic EQ: thường dùng trong Mastering, tạo ra những thay đổi dễ dàng với tác động nhỏ và tinh tế.

 

3. Linear Phase EQ: không gây ra tình trạng ngược pha (out-of-phase) khi sử dụng, thường được dùng trong Mastering.

 

4. Semi Parametric EQ: không can thiệp được quá nhiều vào độ rộng/ hẹp của Q, dùng khi muốn tăng/ giảm một khoảng tần số.

 

5. Dynamic EQ: chỉ hoạt động khi âm thanh chạm ngưỡng (threshold) nhất định, phù hợp để xử lý các nhạc cụ che lấp tần số của nhau.

1. VCA: có khả năng điều khiển chính xác và âm thanh có thể dự đoán được, thường được dùng cho các nhóm nhạc cụ (group), các Bus hoặc Mastering.

 

2. FET: hoạt động cực kỳ nhanh, thời gian attack và release có thể được đặt gần như tức thời. Phù hợp với vocal, guitar, trống kick, snare, v.v…

 

3. Optical: mang lại âm thanh mượt mà và có tính “âm nhạc”. Opto không tác động quá tức thì như FET và cũng không tạo độ nảy như VCA. Phù hợp khi dùng cho Vocal.

 

4. Tube: tốc độ phản ứng chậm, không làm ảnh hưởng tới các điểm chuyển (transient) của bài. Phù hợp khi dùng trong các Group/Bus.

 

5. PWM: ít thịnh hành nhất, mặc dù tốc độ attack & release được phản hồi là nhanh và tức thời hơn FET.

 

Bạn có thể tham khảo thêm về sự khác nhau giữa Compressor và EQ tại đây.

 

– Threshold: ngưỡng Compressor được phép bắt đầu nén.

– Ratio (tỉ lệ nén): Ratio càng cao, Compressor nén càng nhiều/ mạnh (ratio >10:1 sẽ cắt ngang tín hiệu tại Threshold)

– Attack: độ nhạy, độ chính xác của Compressor trong xử lý tín hiệu.

– Release: thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng nén sang dạng bình thường.

– Knee: điều chỉnh độ mượt mà, tự nhiên khi Compressor biến đổi tín hiệu từ dạng bình thường sang dạng nén.

– Make Up: bù lại phần âm lượng bị hao hụt bởi tác động nén của Compressor.

– Output Gain: điều chỉnh âm lượng tổng.

– Distortion: làm thay đổi/ tạo màu/ biến dạng tín hiệu âm thanh.

 

– Pre-delay: khoảng cách từ nguồn âm thanh tới bề mặt phản xạ.

– Early Reflections: cho biết độ lớn của không gian.

– Decay: cho biết bao lâu thì Reverb biến mất.

– Damping: điều chỉnh tần số cao/thấp bị hấp thụ nhiều hay ít, tạo ra Reverb có màu ấm hay lạnh, bí hay thoáng.

– Diffusion: điều chỉnh mức độ tán xạ âm thanh (diffusion thấp = Early Reflections nghe rõ và ngược lại)

– Density: điều chỉnh mật độ dày hay loãng của Reverb.

Dưới đây là 5 loại Reverb mà chắc chắn bạn cần phải biết:

 

1. Hall Reverb: tái tạo không gian phòng hoà nhạc. Decay dài (lên tới vài giây), phù hợp dùng cho các loại đàn dây (string) và Pad nhưng nếu quá làm dụng sẽ khiến bản nhạc bị xáo trộn.

 

2. Chamber Reverb: gần giống Hall nhưng âm thanh trong trẻo và rõ nét hơn, tránh được sự nhạt nhoà và dễ tan rã của Hall. Phù hợp khi sử dụng với hầu hết các loại nhạc cụ, bao gồm đàn dây, acoustic guitar, giọng hát,…

 

3. Room Reverb: tái tạo không gian nhỏ, âm vang chân thực, giống với không khí chúng ta thường nghe ở thế giới thực. Phù hợp với giọng hát, guitar,… dễ tạo cảm giác gần gũi, thân mật.

 

4. Plate Reverb: một trong những loại Reverb nhân tạo đầu tiên, không nhằm mục đích tái hiện bất cứ một không gian cụ thể nào. Có chất âm độc đáo.

 

5. Spring Reverb: cũng là một dạng Reverb nhân tạo tương tự như Plate Reverb. Âm thanh có độ nảy và cảm giác rung chuyển từ hồi âm của nhiều sợi lò xo. Phù hợp khi dùng với Guitar.

Có rất nhiều loại Delay trên thị trường và cũng rất nhiều hình thức với cách sắp xếp tính năng khác nhau nhưng nhìn chung Delay sẽ được chia ra thành 3 loại chính: Tape, Analog và Digital.

 

1. Tape Delay: đôi khi được gọi là Tape Echo Delay, loại Delay này có sự lặp lại ấm áp, hơi khó đoán. Âm thanh giảm dần khi độ trễ vẫn tiếp diễn, phản ánh độ tuổi của băng (tape). Điểm mạnh của Tape Delay là người ta sẽ nhận được những kết quả không thể đoán trước cùng những khác biệt nhỏ mỗi lần âm thanh được lặp lại, phù hợp với những người ưa thích phong cách Vintage.

 

2. Analog Delay: cung cấp một bản sao gần như hoàn hảo của tín hiệu với sự suy giảm nhẹ theo thời gian. Điểm mạnh của Analog Delay là người ta có được âm thanh với độ trễ ấm, phong phú, kết quả dễ dự đoán và tái tạo hơn.

 

3. Digital Delay: cung cấp khả năng lặp lại tín hiệu nguyên sơ, chính xác hơn mà không làm giảm chất lượng. Digital Delay thường đi kèm với nhiều chế độ khác nhau để tạo ra các kiểu độ trễ khác nhau. Điểm mạnh của Digital Delay là độ lặp lại chính xác, nguyên bản mà không bị suy giảm.

 

Ngoài ra còn có Slapback DelayPing-Pong Delay cũng rất phổ biến trong sản xuất và trong Mixing. Bạn có thể tìm hiểu thêm bằng các công cụ tìm kiếm nhé!

Bên dưới là hình minh họa âm thanh trước và sau khi sử dụng Saturation:

 

 

Nói một cách dễ hiểu, Saturation là công cụ “vẽ” thêm các tần số hài hòa (harmonic frequencies) vào cạnh tần số gốc để âm thanh có màu sắc hơn, dày dặn hơn, cũng tạo cảm giác âm thanh có âm lượng to hơn (mà không cần tăng âm lượng tín hiệu gốc). Tác dụng của Saturation trong Mixing chính là tạo sự kết dính, đầy đặn và ấm áp cho âm thanh.

 

Các loại Saturation trong sản xuất:

 

1. Tape Saturation: mô phỏng tín hiệu âm thanh giống như âm thanh được đi qua băng Analog. Tape Saturation bổ sung các tần số hài hòa (harmonic frequencies), nén tín hiệu âm thanh, nâng tần số thấp và có xu hướng làm mềm (dịu) âm thanh. Phù hợp để tạo chiều sâu và không gian.

 

2. Tube Saturation: Cũng có tác dụng bổ sung các tần số hài hòa (harmonic frequencies) và nén tín hiệu âm thanh, tuy nhiên nếu dùng quá đà, chúng sẽ khiến tín hiệu âm thanh trở nên “bạo lực và hung hăng” nên hãy thực sự cẩn thận khi sử dụng! Tube Saturation thêm tần số là quãng 8 trên hoặc dưới của tín hiệu gốc nên chúng có thể cho âm thanh trầm và sâu hơn Tape Saturation.

 

3. Transistor Saturation: bổ sung tính năng nén hard-clipping và thêm các harmonics bậc 3, bậc 5. Các tần số mà chúng “vẽ” thêm thường có âm thanh độc đáo. Nếu sử dụng đúng cách và tinh tế, chúng sẽ giúp âm thanh nghe mượt mà, dễ chịu hơn.

Scroll to Top